Kiên trì đi đến cùng

Ban đầu mình rất mất tự tin

Thời gian đầu, mình rất lo sợ. Không hề tự tin mình sẽ làm được. Lúc nào cũng cảm thấy bản thân kém cỏi và thất bại.

Mình không phải là người bản địa. Mình là người Việt Nam. Tiếng Anh của mình kém cỏi. Mình chẳng biết gì về content. Mình chẳng biết gì về marketing. Ai thuê mình chứ? Người nước ngoài giỏi thế, họ làm gì thuê một người với vốn tiếng Anh nghèo nàn như mình? Có hàng trăm ngàn freelance writer ngoài kia, họ xuất sắc như vậy đâu có chỗ cho mình?….

Muôn vàn các câu hỏi như thế này đặt ra trong đầu mình. Càng nghĩ đến chúng mình càng nao núng, lo sợ, muốn từ bỏ. Ngày hôm qua tự tin bao nhiêu thì đến ngày hôm sau động lực xuống dốc không phanh. Chưa kể mình không tìm thấy một ai là freelance writer ở Việt Nam mà cũng đang viết content marketing ở nước ngoài, cũng chuyên sâu về lĩnh vực này, cũng đi theo phong cách viết mà mình nhắm đến. Mình cảm thấy cô độc, lạc lõng cực kỳ. Mình giống như một con cá ở trong hồ nhỏ mà lại muốn bay ra ngoài đại dương – nơi có hàng triệu triệu những chú cá khổng lồ, sành sỏi mọi thứ trên biển. Mình khó mà sống sót. 

Những bài viết đầu tiên đầy lỗi sai. Khách hàng cũng phản hồi nhiều làm mình không thể nào bước tiếp. Có lẽ mình không nên là một writer, chứ chưa nói gì đến làm freelance writer, mình đã nghĩ thế.

Nhưng mình quyết định không thể dừng lại, mình phải đi đến cùng vì mình thích nghề này. Cho dù chưa có ai thuê mình thì nếu mình cố gắng học hỏi, rèn luyện kỹ năng, và tích cực đi tìm khách hàng thì sẽ có người thuê mình. Một ngày nào đó sẽ có, chắc chắn như vậy!!!

Và bạn biết đấy, mình đã làm được. 

Điều mình muốn nói với bạn là, bất cứ ai cũng có thể trở thành một freelance writer, nhưng không phải ai cũng sẽ thành công. Nhưng nếu bạn có một tư duy đúng đắn, bạn sẽ nằm trong số những người thành công đó.

1. Bạn phải có nội lực mạnh mẽ

Có thể có nhiều người hỗ trợ bạn, động viên bạn, nhưng không phải lúc nào họ cũng ở bên bạn. Chưa kể họ còn chưa hiểu hết những gì bạn đang làm. Đấy là lý do vì sao bạn cần rèn luyện cho mình một nội lực càng lớn càng tốt. Hãy vây quanh mình những người mà có cùng chí hướng với bạn. Hồi xưa mình không có ai, nhưng giờ thì bạn đã có rồi, ít nhất là bạn đã có mình, và mình đã có bạn. 

Một người sẽ có những góc nhìn, bộ não, tư duy khác nhau. Khách hàng muốn sự duy nhất đó ở bạn. Có thể có nhiều người giỏi ngoài kia, nhưng họ không có bộ não của bạn. Họ làm được thì bạn cũng sẽ làm được. 

2. Đặt mục tiêu mỗi ngày

Mỗi ngày mình đặt ra mục tiêu phải tiếp cận được với bao nhiêu khách hàng, phải hoàn thành được bao nhiêu bài viết, phải có bao nhiêu đơn hàng mới. Không vấn đề gì nếu ngày hôm nay mình không hoàn thành hết hay mình không có đơn hàng nào, ngày mai mình sẽ làm tiếp và sẽ cố gắng hơn nữa. 

Bạn hãy đặt ra một mục tiêu cho bản thân gắn liền với con đường mà bạn đã chọn. Hãy kiên trì luyện viết mỗi ngày, đặt ra mỗi ngày phải viết được bao nhiêu trăm từ. Hãy đào sâu hơn nữa Internet. Hãy tin rằng khách hàng của bạn đang ở ngoài kia và đang chờ đợi bạn. 

3. Trưởng thành từ sai lầm 

Hồi mới viết, mình mắc lỗi nhiều lắm. Nào là lỗi ngữ pháp, lỗi dùng từ, lỗi dùng dấu câu… Mình chấp nhận những lỗi đó, sửa chữa và trưởng thành.

Khách hàng có thể nói bạn thế này thế kia. Họ có thể yêu cầu bạn sửa đi sửa lại bài viết. Họ có thể yêu cầu bạn phải trải qua vòng phỏng vấn trước khi thuê bạn. Họ có thể gửi cho bạn hàng tá feedback với một bài viết chỉ 500 từ…

Đừng sợ, cứ bền chí mà vượt qua bởi vì hành trình chỉ mới bắt đầu. Dù có bất cứ chuyện gì, bạn cứ coi đó như là cơ hội để học hỏi và trưởng thành. 

Take action

  • Viết ra giấy những câu động lực, những lý do khiến bạn muốn dấn thân vào freelance writing, tại sao bạn yêu thích nó, mục tiêu của bạn là gì. Có thể dán lên tường hoặc để bất cứ chỗ nào bạn muốn. Khi nào bạn cảm thấy gục ngã, hãy đọc lại chúng để có động lực bước tiếp.
  • Ghi rõ mục tiêu mỗi ngày bạn muốn đạt được, thậm chí là thu nhập hàng tháng từ freelance writing mà bạn muốn nữa. Mục tiêu càng cụ thể càng tốt.
  • Liệt kê ra những lỗi sai bạn thường mắc phải khi viết và biến chúng thành một checklist. Mỗi khi viết xong một bài, mở checklist ra và soát xem bạn có mắc những lỗi đó không. Cách này mình thấy cực kỳ hiệu quả.
Chia sẻ cho bạn bè cùng học nha!