Hiển nhiên rồi, bạn phải viết được thì bạn mới làm freelance writing được. Nếu kỹ năng của bạn còn yếu mà bạn đã ngay lập tức đi tìm khách hàng thì chắc chắn là bạn sẽ thất bại sớm.
Mình nói thế không có ý làm nản lòng bạn. Mình chỉ muốn nhấn mạnh rằng ngay từ tên nghề “freelance writing” đã nhấn mạnh tới kỹ năng writing rồi, chứ không phải mình phóng đại.
Tuy nhiên, không vì thế mà bạn nên dừng, không đọc tiếp phần còn lại của khóa học này hay tự nhủ “thôi, freelance writing không dành cho mình đâu”, hay “tiếng Anh mình kém rồi, phải từ bỏ vậy”. ĐỪNG BAO GIỜ CÓ SUY NGHĨ NHƯ VẬY BẠN NHÉ, bởi vì mình đã bắt đầu y như bạn bây giờ. Tiếng Anh chỉ biết sơ sơ, chứ chưa nói gì đến viết thành bài. Nếu bạn đã đọc hai cuốn ebook Content Writing for Everyone và Easy English Writing, chắc bạn biết câu chuyện của mình rồi đó.
Bạn chưa giỏi viết tiếng Anh không có nghĩa bạn chưa thể bắt đầu. Có nhiều khách hàng họ yêu cầu viết khá đơn giản, không quá nhiều những đòi hỏi khắt khe, và cũng có những website mà cho bạn đăng bài miễn phí để xây dựng portfolio… Cơ hội rất nhiều, đừng bao giờ bỏ cuộc.
Trước khi làm bất cứ điều gì thì cần phải hiểu rõ mình đang làm cái gì, bản chất của thứ mình đang làm và có những lưu ý gì để tránh sai lầm.
Dưới đây là một số lưu ý, hay nói đúng hơn, là một số điểm mà mình cần làm rõ cho bạn hiểu về viết English writing. Với hơn 5 năm kinh nghiệm trong nghề thì đây là những gì mình đã đúc rút, hy vọng sẽ giúp bạn có góc nhìn và tư duy đúng ngay từ đầu để có thể đi đúng hướng.
Nếu bạn là một content writer có thâm niên viết tiếng Việt lâu năm và bạn nghĩ rằng bây giờ chuyển sang viết content tiếng Anh cũng dễ ợt thì bạn sai 10000…0%.
Mình cũng là một content writer viết tiếng Việt trước khi viết tiếng Anh. Mình cũng duy trì blog Form Your Soul hơn 3 năm, cũng viết hàng trăm bài blog tiếng Việt rồi và mình phải khẳng định với bạn rằng hai mảng này hoàn toàn khác.
Lý do?
Thứ nhất, ngôn ngữ khác nhau. Một bên tiếng Anh, một bên tiếng Việt. Đôi khi một từ tiếng Anh dịch ra tiếng Việt bị kéo dài thành 2, 3, 4 từ và ngược lại. Bạn không phải là người bản xứ.
Thứ hai, đối tượng khách hàng khác nhau với nền tảng khác nhau. Bạn viết tiếng Việt, đối tượng khách hàng là người Việt Nam. Mình không đánh giá thấp người Việt, nhưng chúng ta phải thẳng thắn mặt bằng hiểu biết của người nước ngoài có thể cao hơn người Việt Nam. Khi bạn đã dấn thân vào content marketing thì các bài viết của bạn phải thực sự “chất”.
Thứ ba, bạn viết tiếng Việt thì tối đa người đọc có thể đọc bài viết của bạn là hơn 97 triệu người (tính đến năm 2020, dân số Việt Nam là 97.34 triệu người). Bạn viết tiếng Anh thì người đọc lên đến hàng tỷ người. Bạn không hiểu rõ cách tư duy của hàng tỷ con người này, thế nên một bài viết bạn viết ra đòi hỏi phải nghiên cứu và đầu tư gấp nhiều lần thì mới có thể có chất lượng tốt được.
Thứ tư, có hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu English freelance content writer trên thế giới với mức độ sành sỏi, chuyên nghiệp có thể cao hơn bạn gấp nhiều lần. Phong cách viết của họ đỉnh cao, nếu bạn chỉ viết tiếng Anh theo kiểu tiếng Việt thì bạn sẽ không bao giờ tiến xa được.
IELTS của bạn cao là một lợi thế. Bạn đã có kinh nghiệm viết content tiếng Việt cũng có thể là một lợi thế. Nhưng khi chuyển sang viết content tiếng Anh, bạn cần thay đổi góc nhìn. Bạn cần tiếp cận nó với một tư duy tươi mới, tư duy của người mới bắt đầu thì bạn sẽ dễ dàng bước vào nghề.
Nếu bạn có IELTS writing 8.5 và bạn tự tin sẽ thành công với English content trong khi chưa hề viết bao giờ thì mình khuyên bạn nên “giảm bớt” sự tự tin một chút. Khi bạn viết content, bạn viết dựa theo yêu cầu của các công ty, và các công ty này muốn những loại content mà phù hợp, hữu ích cho đối tượng khách hàng của họ. Khách hàng của họ đọc xong phải thấy hứng thú với sản phẩm và cuối cùng phải mua sản phẩm của họ. Các công ty không trả tiền cho bạn để viết một bài IELST essay mà viết xong chẳng ai đọc, chẳng ai hiểu.
Xu hướng content hiện nay là đơn giản, dễ đọc, dễ hiểu, conversational writing, simple writing chứ không phải tiếng Anh học thuật. Nếu bạn không tin mình thì cứ tìm đọc các blog hiện nay hoặc tự làm research về những điều mình nói.
Dạo quanh các diễn đàn viết content, các nhóm viết content trên Facebook thì bạn sẽ thấy nhiều người khuyên viết content cần phải “sốc, sến, sex”. Điều này có thể đúng với đối tượng khách hàng ở Việt Nam, nhưng nếu bạn đang mơ ước vươn ra toàn cầu, viết content cho người nói tiếng Anh, người bản địa thì bạn cần thận trọng.
Hiển nhiên khi viết content tiếng Anh, đặc biệt là các bài blog, bạn cũng cần viết một tiêu đề thật hấp dẫn. Trong bài cũng cần sử dụng các thủ thuật viết lách để đánh vào tâm lý người đọc, nhưng đừng nghĩ rằng vì thế mà bạn cứ áp dụng “công thức sốc-sến-sex” vào. Hãy suy nghĩ về công ty bạn đang viết là ai và khách hàng của họ gồm những ai rồi hãy viết.
Khi viết content tiếng Việt, khách hàng thường trả “một cục” cho bạn. Ví dụ, họ thuê bạn viết 20 bài với chi phí tổng là 5 triệu VNĐ. Word count (số lượng từ/chữ) đôi khi cũng được ghi rõ trong đơn đặt hàng, nhưng gần như không công ty Việt Nam nào trả tiền cho bạn trên một từ bạn viết.
Tiếng Anh thì ngược lại. Có rất nhiều cách để charge khách hàng (bạn đọc phần các cách charge khách hàng để hiểu rõ hơn nhé) và charge dựa theo word count là một trong số đó.
Người mới bắt đầu có thể charge $0.1/từ. Freelancer nhiều kinh nghiệm có thể charge lên đến $1.5 hoặc $2.0/từ, nghĩa là với 1 bài dài 800 từ thì họ có thể charge lên đến $1600. Như mình thì mình đang charge khách hàng với mức phí tối thiểu là $0.6/từ.
Như thế này thì mỗi một từ bạn viết ra đều phải có giá trị, đều được sử dụng một cách hợp lý, chứ không phải cố kéo dài bài viết ra. Tiếng Việt không có tiêu chuẩn về số từ, các quy tắc về sử dụng từ rõ ràng, cụ thể như tiếng Anh. Nhưng tiếng Anh thì khác, có hàng loạt các quy tắc mà một freelance writer cần phải hiểu rõ. Nếu bạn không nắm rõ thì khi bạn gửi bài cho khách hàng, họ sẽ trả bài cho bạn với một loạt các feedback hết sức nghiêm trọng đấy.