Mất gì khi làm freelance writer?

Bạn thức dậy bất cứ lúc nào bạn muốn. Bạn vừa gõ máy tính vừa ăn sinh tố ngon lành. Bạn thoải mái trong bộ đồ ngủ “chất nhất quả đất” và thích thì làm việc, không thì thì không làm.

Nhiều freelance writer như thế này, đôi khi mình cũng như thế này. Nhưng nếu bạn thực sự muốn phát triển lâu dài với freelance writer, và biến nó thành một “business” của riêng bạn thì bạn cần chuẩn bị thật kỹ và thật nghiêm túc ngay từ đầu.

1. Bạn được kỳ vọng phải bỏ ra thời gian

Chính xác là rất nhiều thời gian.

Trước đây, freelance writing chỉ là công việc phụ của mình, vì mình vẫn đi làm full-time. Mãi cho tới tháng 10 năm ngoái, mình mới chuyển sang làm freelance toàn thời gian. Tuy nhiên, cho dù là “phụ” hay “chính” thì thời gian mình đầu tư cho nó đều rất nhiều.

Mỗi buổi tối sau khi ăn xong là mình lại vùi đầu vào học và viết. Mình chấm dứt hết mọi thói quen ngồi chơi, xem YouTube, xem phim hay chơi game lại. Mình tập trung hoàn toàn cho công việc của mình. Cũng may, chồng mình giúp đỡ nên mọi việc hết sức thuận lợi.

Bạn phải thật sự nghiêm túc với lựa chọn làm freelance. Tất nhiên, bạn không cần nghỉ việc và chuyển hẳn sang nghề này. Mình đã nói rõ trong bài viết rồi đó.

Nhưng bạn cần xác định khoảng thời gian mà bạn sẽ dành cho việc học và phát triển freelance. Thời gian đầu có thể 2 hoặc 3 tiếng, nhưng chắc chắn nên tăng dần. Cứ luyện viết mỗi ngày rồi từng bước, từng bước một dấn thân vào nghề.

Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân, bạn cứ kiên trì, cứ đi rồi cũng sẽ đến. 

2. Bạn được kỳ vọng sẽ bị xao nhãng mọi lúc

Cho dù bạn làm việc ở nhà hay làm việc ngoài quán cafe, sẽ có những lúc bạn bị xao nhãng, và điều này khiến bạn bị mất thời gian khủng khiếp.

Ví dụ như ban ngày, mình thường làm việc không hiệu quả do không thể tập trung viết 100% được. Nào là hàng xóm gọi, nào là đến giờ chuẩn bị cơm nước, nào là dọn dẹp, nào là tiếng ồn ngoài đường… Đó còn chưa kể cuộc gọi, tin nhắn, thông báo mạng xã hội.

Và mình tin bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi những thứ này. Đặc biệt là email, là mạng xã hội.

Hãy kháng cự tất cả chúng!

Nếu ban ngày bạn làm việc không hiệu quả, hãy dành ra vài tiếng vào ban đêm.

Nếu mạng xã hội làm bạn mất tập trung thì tắt thông báo điện thoại, tắt wifi mỗi khi học và làm việc. 

Luôn nhắc nhở bản thân bạn rằng bạn đang xây dựng một business của riêng bạn. Business đó có tên là freelance writing và chắc chắn là bạn sẽ thành công với nó. 

Bạn cũng có thể đặt ra thời gian cho làm việc và thư giãn. Ví dụ, cứ làm 20 phút sẽ nghỉ 5 phút (phương pháp pomodoro) hoặc điều chỉnh khung thời gian sao cho phù hợp với bạn. 

3. Bạn được kỳ vọng sẽ viết những chủ đề nhàm chán

Thời gian đầu mới vào nghề, bạn đừng quá lựa chọn.

Mục tiêu là có khách hàng đầu tiên và xây dựng uy tín của bạn với khách hàng. Thế nên, tư tưởng “kén cá chọn canh” nên để sau này, còn trước mắt cứ có khách hàng là quý đã.

Nếu bạn có một khách hàng đầu tiên, cho dù chủ đề nhàm chán thì vẫn hãy nhận nó và viết thật hay. Đừng nghĩ gì cả, đừng chê là được trả thấp, đừng nghĩ là bạn đang làm việc mà được trả công không xứng đáng. 

Hãy coi như thời gian đầu là để học hỏi, là để kiểm tra khả năng viết của bạn có được đón nhận không, là để thử nghiệm, là để build portfolio, là để thực tập.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn “cuốn theo chiều gió”. Nếu như chủ đề quá khó với bạn thì bạn có thể “nói không” và tìm một khách hàng khác. Nhưng hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi từ chối nhé.

4. Bạn được kỳ vọng sẽ nghi ngờ chính mình 

Như mình có nói trong bài trước, nghi ngờ bản thân trên con đường trở thành writer là điều rất bình thường.

Mình cũng từng như thế.

Chưa kể bạn còn có thể so sánh mình với người này người kia, và kết thúc với việc nghĩ rằng bạn không thể làm được.

Để vượt qua trạng thái này, bạn hãy nhắc nhở bản thân rằng “Ai cũng sẽ rơi vào trạng thái đó. Mỗi một writer là một sự khác biệt, và không ai có thể viết giống bạn”. Sự thật là như vậy.

Thứ hai, bạn có thể nhắn tin với mình, mình sẽ chia sẻ điều gì đó mà giúp đỡ bạn. Mình đã trải qua tất cả những gì bạn đang trải qua nên mình có thể sẽ có lời khuyên hữu ích cho bạn.

Thứ ba, kết nối với những người đang chung chí hướng với bạn. Tham gia các group Facebook hoặc các cộng đồng dành cho freelance writer. 

Một số group bạn có thể tham gia như sau:

5. Đừng quá căng thẳng và luôn tỉnh thức

Khi đã trở thành freelancer, cuộc sống của bạn sẽ ngập tràn với nhiều thứ hơn: làm việc với khách hàng, có thể là quản lý blog, chăm sóc gia đình, con cái, việc nhà…

Sự hấp dẫn của nghề – khi mà bạn đã bắt đầu có thu nhập từ nó – rất khó mà kháng cự. Để chuẩn bị cho điều này – bởi vì chắc chắn nó sẽ xảy ra – là bạn cần học cách đừng quá căng thẳng và luôn tỉnh thức.

Điều đó có nghĩa là hãy luôn tập trung cho hiện tại.

Khi bạn nấu cơm, hãy dừng nghĩ về tìm kiếm khách hàng hay làm thế nào để cải thiện viết lách.

Khi bạn ngồi với gia đình, hãy dừng nghĩ về công việc.

Hãy tập trung vào điều bạn đang làm và không một thứ gì khác. Tận hưởng khoảng thời gian bạn có với gia đình. Còn khi đã ngồi vào bàn làm việc rồi là chỉ có học và làm việc.

Chia sẻ cho bạn bè cùng học nha!